Dưới thời Đường Thái Tông Phong_Đức_Di

Năm 626, Lý Thế Dân lo sợ mình sẽ dần dần mất hết quyền lực và bị Lý Kiến Thành sát hại, đã phục kích và giết Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát tại Huyền Vũ môn. Thế Dân sau đó ép Đường Cao Tổ phong mình là Thái tử rồi nhường ngôi cho mình. Sau khi lên ngôi, Đường Thái Tông tiến hành sửa sang lại chính sự và điều đầu tiên ông làm là tinh giản lại bộ máy nhà nước. Lúc này cả Tiêu Vũ và Đức Di đều là Thượng thư tỉnh (尚書省) với tước hiệu là Thượng thư bộc xạ (尚書僕射). Tuy vậy, cả hai sau đó lại trở mặt thành thù vì thái độ hay thay đổi của Phong Đức Di. Thường trước mỗi buổi thiết triều, Tiêu Vũ và Phong Đức Di thường đồng ý với nhau về những vấn đề quan trọng nhưng sau đó trước mặt Đường Thái Tông thì Đức Di lại thay đổi ý kiến của mình và điều này khiến Tiêu Vũ rất không bằng lòng. Tiêu Vũ vì quá tức giận với Phong Đức Di nên ông đã dâng tấu lên Đường Thái Tông kể tội Đức Di. Nhưng Đường Thái Tông vì trước đó không hài lòng với Tiêu Vũ vì lúc thượng triều ông hay có những ý kiến trái ngược và thường xảy ra tranh cãi với Phòng Huyền LinhĐỗ Như Hối, nên Tiêu Vũ ngay lập tức bị bãi chức.

Năm 627, Đức Di ngã bệnh khi đang xử lý công vụ và Đường Thái Tông đã thân hành đến thăm ông rồi sai người dùng xa giá đưa ông về phủ của mình. Phong Đức Di qua đời không lâu sau đó và Đường Thái Tông đã truy tặng ông tước hiệu cao quý Tư không (司空), đồng thời kèm với Thụy hiệu là Minh (明, nghĩa là "Sáng suốt").

Lúc Phong Đức Di qua đời, Đường Thái Tông không hề biết chuyện Đức Di đã qua lại với cả ông và Lý Kiến Thành trong thời gian xảy ra tranh chấp quyền lực, nhưng sau khi xem qua những tài liệu lưu trữ trong cung thì ông đã dần nhận ra điều này. Năm 643, khi chuyện Phong Đức Di đã qua lại với cả hai bên đã quá rõ ràng, Thị ngự sử Đường Lâm (唐臨) đã dâng tấu yêu cầu thu hồi lại tước hiệu của Đức Di. Tiếp đó một vị quan khác là Đường Kiệm (唐儉) khuyên Đường Thái Tông rằng lúc còn sống Phong Đức Di cũng đã có đóng góp nhất định cho triều đình vậy nên tước hiệu thì giữ lại và chỉ thu hồi Thụy hiệu, Đường Thái Tông thấy có lý nên đã làm theo. Thế là, Đường Thái Tông đã cải Thụy hiệu của Đức Di từ Minh sang Mục (繆, nghĩa là "Giả dối").